Tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết Số 151
Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – Futa Group (Futa Group) vừa có văn bản gửi tỉnh Lâm Đồng về việc áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP (giai đoạn 1).
Futa Group cho rằng, hiện nay tại các nghị quyết chủ trương đầu tư dự án của tỉnh Lâm Đồng chưa quy định áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Việc này gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho việc triển khai dự án.
Cụ thể, thực tiễn các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với đặc thù có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai theo phương thức PPP. Quá trình triển khai các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian vừa qua, đặc biệt quá trình kêu gọi đầu tư các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cho thấy việc thu hút nguồn lực xã hội rất khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu chưa có các cơ chế phù hợp giảm thiểu rủi ro như cơ chế chia sẻ doanh thu của dự án.
Tại dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương thực hiện theo phương thức PPP, nhà đầu tư huy động nguồn vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng rất lớn (theo báo cáo cuối kỳ dự án là khoảng 10.200 tỷ đồng). Sau khi làm việc với một số ngân hàng, các đơn vị đều yêu cầu dự án phải được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu phù hợp theo quy định của Luật PPP, thì mới có cơ sở xem xét tiếp các điều kiện tài trợ vốn cho dự án.
Do vậy, điều 82 Luật PPP (cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu) ra đời là một bước tiến bộ lớn về thể chế, đưa quan hệ công và tư trong dự án hợp tác Công – Tư (PPP) về thể chế cân bằng hơn, là tiêu chí rất quan trọng để lược bỏ lo ngại của dư luận và ngân hàng về nợ xấu của các dự án thực hiện theo phương thức PPP trước kia, tăng tính hấp dẫn cho dự án hiện nay.
Các quy định về chia sẻ doanh thu không nhằm tăng sử dụng ngân sách Nhà nước cho dự án mà thực tế có xác suất 50% Nhà nước thu được thêm ngân sách nhờ cơ chế này.
“Do đó, cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm chỉ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư với tư cách là một đối tác trong dự án, cân bằng với việc chia sẻ phần doanh thu tăng”, văn bản của Futa Group cho hay.
Theo Futa Group, dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương thực hiện theo phương thức PPP cần huy động nguồn vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng rất lớn
Cũng theo Futa Group, hiện tại các dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo hình thức PPP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, như: dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú; dự án Vành đai 4 – TP Hà Nội; dự án Đầu tư Cảng hàng không Sapa; dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và TP. HCM; dự án đường Vanh đai 4 – TP. HCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn,… đều áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu phù hợp Luật PPP.
Do đó, để việc triển khai thực hiện dự án được thuận lợi, đảm bảo theo các quy định hiện hành của pháp luật, Futa Group đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án phù hợp với quy định Luật PPP.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản phản hồi về kiến nghị của nhà đầu tư trong việc áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP, dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức PPP.
Theo quy định tại khoản 1 điều 17, khoản 3 điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu là một nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, việc cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm có thể dẫn đến việc bổ sung vốn Nhà nước tham gia dự án.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng trường hợp 2 dự án nêu trên cần thiết áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thẩm quyền, trình thự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại điều 18 Luật PPP”.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT cho biết theo chủ trương được phê duyệt, 2 dự án đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của từng dự án.
“Theo quy định tại khoản 3, điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm phải được xác định tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, trường hợp bổ sung cơ chế này, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu quy định tại điều 18 Luật để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP để có cơ sở triển khai”, Bộ KH&ĐT cho hay.
Trước kiến nghị này, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh và đơn vị có liên quan xem xét nội dung đề xuất của Futa Group; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trước ngày 25/5/2024.
Tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết Số 151. Tuyến đường có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư: 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng).
Tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ 100 km/h.
- Cung cấp Thiết bị vệ sinh Toto hàng nội địa nhập khẩu Nhật Bản
- Đề xuất mở rộng cầu Nhơn Trạch nối TP HCM – Đồng Nai.
- BÁN CĂN HỘ MASTERI THE GRAND HA NOI 22-24 HÀNG BÀI
- Toàn cảnh tuyến Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt 50km trị giá 11.000 tỷ
- Chung cư The Wisteria – CĐT Vietracimex mở bán đợt 1