Vành đai 3,5 qua huyện Thanh Trì sắp triển khai Thu hồi gần 130 ha đất, vốn hơn 5.600 tỷ đồng, Dài hơn 10 km, đi qua quận Hà Đông và huyện Thanh Trì
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng TP Hà Nội đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Theo đó, tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường nằm giữa Vành đai 3 và Vành đai 4. Theo quy hoạch, đây là trục giao thông xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các khu đô thị mới của các quận nội thành với khả năng tạo động lực lớn cho việc việc phát triển thương mại, dịch vụ của TP Hà Nội.
Tuyến đường này bắt đầu từ khu công nghiệp Quang Minh qua cầu Thượng Cát kéo dài đến cầu Ngọc Hồi và kết thúc tại điểm giao cắt với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) với tổng chiều dài khoảng 42 km.
Dài hơn 10 km, đi qua quận Hà Đông và huyện Thanh Trì
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng TP Hà Nội (chủ dự án), tổng chiều dài dự án khoảng 10 km. Điểm đầu nằm tại đường Phúc La – Văn Phú (quận Hà Đông); điểm cuối dự kiến tại Km10+340, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trên địa phận huyện Thanh Trì.
Tuyến đường đi qua địa phận 10 xã/phường bao gồm quận Hà Đông (3 phường) là phường Phú La, Kiến Hưng, Phú Lương và huyện Thanh Trì (7 xã) là xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp.
Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất của dự án, tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi của dự án khoảng 130 ha, trong đó, đất trồng lúa hai vụ khoảng 48,5 ha.
Diện tích chiếm dụng tạm thời khoảng 6.000 m2 để làm công trường. Tuyến nghiên cứu với quy mô mặt cắt ngang lớn từ 60 – 80 m, cắt qua nhiều khu vực có địa hình khác nhau, khu vực bãi trống, đất trũng ao hồ, sông nhỏ hoặc qua khu dân cư hiện hữu đông đúc.
Cùng với đó, đoạn tuyến Vành đai 3,5 này còn đi qua các dự án như khu đô thị Kiến Hưng, khu dân cư xã Hữu Hòa, xã Tả Thanh Oai, xã Vĩnh Quỳnh và xã Ngũ Hiệp… Đoạn tuyến cũng cắt qua sông Nhuệ, sông Hòa Bình Sông Tô Lịch và một phần các khu đô thị hai bên đường.
Cụ thể, về diện tích giải phóng mặt bằng, đất giao thông gần 16 ha; đất sông ngồi kênh, rạch 4,3 ha; đất nông nghiệp 57 ha; đất nuôi trồng thủy sản 23 ha; đất thổ cư hơn 13 ha; đất cơ quan 2,7 ha; đất nghĩa trang 0,8 ha; đất khác chưa sử dụng là 13 ha.
Tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối năm
Về quy mô dự án, đây là dự án nhóm A (khoản 3 điều 08 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 18/6/2014); loại công trình giao thông đường bộ; Đường trục chính đô thị; tốc độ thiết kế 80 km/h; Quy mô mặt cắt ngang rộng từ 60 – 80 m; công trình cầu sẽ xây dựng vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL-93.
Về hướng tuyến, tuyến bắt đầu từ điểm giao với của đường Phúc La – Văn Phú (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), cắt qua các đường trục phát triển phía Nam (cầu vượt đường sắt), tuyến đi song song với tuyến đường sắt hiện trạng, vượt qua sông Nhuệ, sông Hòa Bình và giao cắt với tuyến đường sắt hiện trạng.
Tuyến vượt qua sông Tô Lịch, giao cắt với QL 1A cũ và đường sắt Bắc Nam, tuyến kết nối với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Cơ cấu mặt cắt ngang đoạn đầu tuyến bao gồm 6 làn xe cơ giới đường chính rộng 22,5 m; một dải phân cách giữa 4 m; hai dải phân cách bên 2 m; 4 dải an toàn 2 m; làn xe song hành rộng 13,5 m; hai vỉa hè 16 m. Như vậy, tổng bề rộng nền đường là 60 m.
Mặt cắt ngang điển hình đoạn Km1+200 – cuối tuyến có bề rộng 80 m. Cơ cấu tương tự như đoạn đầu tuyến, riêng phần xe chạy song hành hai bên cơ cấu đảm bảo theo quy hoạch 3 làn xe (hỗn hợp và thô sơ); phân cách biên 6,5 m đất dự trữ để có thể mở rộng khi nhu cầu giao thông trơng tương lai tăng cao.
Cơ cấu mặt cắt ngang đoạn này bao gồm 6 làn xe cơ giới đường chính 22,5 m; một dải phân cách giữa 4 m; hai dải phân cách bên rộng 13 m; 4 dải an toàn 2 m; ba làn xe hỗn hợp và thô sơ 22,5 m và hai vỉa hè 16 m.
Về tiến độ thực hiện dự án, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt BCNCKT vào quý I/2024 – quý III/2024; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt TK BVTC quý IV/2024; lựa chọn nhà thầu thi công vào quý IV/2024 – quý I/2025; hoàn thành bàn giao quý IV/2027. Thời gian thi công 18 – 24 tháng. Tổng mức đầu tư của tuyến đường này hơn 5.600 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.
Xây dựng 6 cầu, 5 nút giao
Toàn tuyến Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ xây dựng 5 nút giao chính bao gồm nút giao Văn Khê – Km0, thiết kế nút giao đường Vành đai 3,5 sẽ đi dưới cầu vượt đường sắt hiện hữu trên đường trục phía Nam và song song với đường sắt hiện hữu phía bên phải; thiết kế các nhánh rẽ phải bề rộng quy mô hai làn xe để kết nối giữa đường trục phía Nam và đường Vành đai 3,5.
Trong trường không thỏa thuận được phương án gác ghi khi giao với đường sắt tại hai nhánh rẽ này, xem xét phương án không xây dựng nhánh rẽ, tổ chức giao thông rẽ phải thông qua cầu vượt đường sắt hiện trạng và các điểm quay đầu trên đường 3,5 và đường trục phía Nam.
Nút giao đường sắt hiện hữu – Km5+857,55, tuyến đường sắt vành đai hiện hữu sẽ đi thấp, song song với đường Vành đai 3,5 và giao cắt tại Km5+857.55. Trong tương lai theo quy hoạch sẽ được đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại vị trí trùng với tim đường sắt hiện trạng.
Nút giao QL 1A – Km 9+147,75, do tuyến đường sắt đô thị và đường sắt Bắc – Nam theo quy hoạch được dịch chuyển về ga Ngọc Hồi. Do đó nút giao chỉ giải quyết tuyến đường Vành đai 3,5 giao cắt với QL 1A và đường sắt Bắc – Nam hiện trạng (Quy hoạch di dời sang vị trí khác). Tư vấn thiết kế nghiên cứu phương án thiết kế nút giao khác mức.
Nút giao cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ – Km 10+324,36 được thiết kế theo dạng hoa thị không hoàn chỉnh, đường Vành đai 3,5 vượt trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bằng cầu vượt.
Trong giai đoạn hoàn thiện khi dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, nút giao sẽ được bố trí đầy đủ các nhánh rẽ liên thông đảm bảo kết nối giữa đường Vành đai 3,5 với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và cầu Ngọc Hồi.
Giai đoạn đầu, khi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện quy mô 8 làn xe và cầu Ngọc Hồi chưa được đầu tư xây dựng, giải pháp thiết kế là đầu tư xây dựng phân kỳ các nhánh nút giao liên thông đảm bảo kết nối giữa đường Vành đai 3,5 và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Trong đó có xét tới việc mở rộng đường cao tốc lên 8 làn xe trong giai đoạn 2, cụ thể, xây dựng một nửa cầu vượt trên đường Vành đai 3,5 qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ kết nối chờ cầu dẫn lên cầu Ngọc Hồi.
Cùng với đó, bố trí một nhánh rẽ trái từ đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào đường Vành Đai 3,5 (Nhánh N1), một nhánh rẽ phải (N4) từ đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào đường Vành Đai 3,5 và một nhánh rẽ phải (N6) từ đường đường Vành đai 3,5 vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.Trên tuyến có bố trí 6 cầu bao gồm cầu sông Nhuệ với chiều dài hơn 66 m; cầu Hòa Bình với chiều dài 31 m; cầu Tô Lịch với chiều dài gần 55 m; cầu vượt Đường sắt với chiều dài 674 m; cầu vượt QL1A dài 388 m và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với chiều dài 709 m.
Hệ thống đường vành đai qua TP Hà Nội mới hình thành hơn 46%
Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đây được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Thủ đô.
Đến nay, mạng lưới đường vành đai vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Thống kê đến nay Hà Nội mới chỉ hình thành được 46,33% hệ thống đường vành đai.
Theo Sở GTVT Hà Nội, 7 tuyến đường Vành đai số 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.
Trong đó, tuyến vành đai 1 có lộ trình từ Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Kim Liên – Hoàng Cầu – Voi Phục – Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy – Bưởi).
Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Hiện vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.
Tuyến vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở – cầu Nhật Tân – cầu Đông Trù – cầu chui Gia Lâm – Đàm Quang Trung – và trở lại cầu Vĩnh Tuy.
Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm
Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây – Nguyễn Văn Huyên – Trung Kính – Đầm Hồng – Kim Đồng – Lĩnh Nam.
Đường vành đai 3 đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì – Linh Đàm – Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng – cầu Thăng Long, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội.
Song vành đai 3 cũng là tuyến phải gánh chịu lưu lượng giao thông vãng lai từ các tỉnh thành lân cận lớn nhất, gây nhiều áp lực về ùn tắc nhất cho Thủ đô.
Tuyến vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) – Phúc La (Hà Đông) – đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm – QL 32 – cầu Thượng Cát.
Vành đai 4 là trục đường kết nối 5 tỉnh, thành thuộc Vùng Thủ đô. Trong đó đoạn đi qua địa phận Hà Nội dài 56,5 km nằm trên địa bàn 7 quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.
Đường vành đai 5 có tổng chiều dài 331 km, được quy hoạch đi qua địa giới 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội; Hòa Bình; Hà Nam; Thái Bình; Hải Dương; Bắc Giang; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc.
Đoạn qua Thủ đô dài khoảng 48 km, nằm trên địa bàn các huyện, thị xã bao gồm Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, đến nay mới hình thành được 22 km đoạn đi qua thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất.