Các nhà máy trong khu ‘đất vàng’ Cao Xà Lá giờ ra sao?

Người dân Thủ đô thường “định danh” Cao – Xà – Lá để nói về tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, gồm 3 nhà máy cao su – xà phòng – thuốc lá trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Đây là nhà máy ra đời sớm nhất ngành công nghiệp cao su Việt Nam và trở thành thương hiệu quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Các nhà máy trong khu đất vàng Cao Xà Lá giờ ra sao

Nhà máy Cao su Sao Vàng từ lâu đã nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, tuy nhiên đến nay vẫn “án binh bất động”. Hằng ngày, nhà máy vẫn nhả khói ra môi trường. Nằm cạnh Nhà máy Cao su Sao Vàng là nhà máy Xà phòng Hà Nội được xây dựng từ năm 1958. Nhà máy chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm…

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) có diện tích hơn 64.000m2, gồm có hệ thống nhà kho, khu để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm.

Nhà máy cao su

Ngày 8/8/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Trọng Đông đã ký quyết định ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố (đợt 1). Trong đó, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long là 1 trong 9 địa điểm phải di dời khỏi nội đô trong 5 năm tới do không phù hợp quy hoạch.

Bên cạnh các nhà máy trên, khu vực này còn có các nhà máy lớn như nhà máy Bóng đèn Rạng Đông, công ty giày Thượng Đình. Khu đất của Công ty Giầy Thượng Đình tại địa chỉ 277 Nguyễn Trãi có diện tích 36.105m2, nằm gần đường Vành Đai 3.

Theo UBND TP Hà Nội, tại quận Thanh Xuân, phường Thượng Đình có nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. Tại phường Thanh Xuân Trung, ngoài nhiều trường đại học và hơn 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, địa phương còn có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo trình Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn thành phố.

Tại báo cáo này, một trong những nội dung thu hút sự chú ý của các chuyên gia quy hoạch, di sản là các đề xuất liên quan đến các khu đất đang có nhiều nhà máy, công xưởng lâu năm có những yếu tố đặc thù ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ của thủ đô và cả nước, cần được công nhận là di sản công nghiệp.

Cụ thể, phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) với yếu tố đặc thù trên địa bàn có nhiều nhà máy lớn như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời (thường được gọi là tổ hợp Cao Xà Lá). Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị dự kiến quy mô dân số 46.000 người (đạt 306,7% so với tiêu chuẩn); có 2.362 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường… Diện tích tự nhiên là 0,67 km2, quy mô dân số là 25.770 người.

Một phường khác cũng thuộc quận Thanh Xuân là phường Thanh Xuân Trung với yếu tố đặc thù có nhiều nhà máy lớn như: Bóng đèn phích nước rạng Rạng Đông, Giầy Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị dự kiến quy mô dân số 48.000 người (đạt 320% so với tiêu chuẩn). Diện tích tự nhiên là 1,08 km2, quy mô dân số là 37.894 người.

Theo PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan (Đại diện Việt Nam trong Mạng lưới Di sản công nghiệp châu Á – ANIH; nguyên Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia) nhà máy Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội nằm trong tổ hợp Cao Xà Lá là quần thể tiêu biểu cho mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa Việt Nam giai đoạn đầu xây dựng đất nước. Không chỉ mang giá trị kiến trúc, đây còn là những công trình mang dấu ấn lịch sử phát triển kinh tế – xã hội, ký ức và hình ảnh về đô thị Hà Nội một thời.

Năm 2020, PGS. Loan đã cùng nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát sâu 10 nhà máy có giá trị khá nổi trội của Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đánh giá các nhà máy cũ này đa dạng về vị trí, quy mô đất đai, loại hình doanh nghiệp, tình trạng sản xuất kinh doanh và cơ sở vật chất, nhà xưởng cũng như các giá trị về kiến trúc và lịch sử.

Trong đó, nhóm nghiên cứu ghi nhận 3 nhà máy nằm trong danh sách phải di dời nhưng có dấu ấn di sản rõ rệt là: nhà máy Bia Hà Nội, nhà máy Xe lửa Gia Lâm và nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất sau khi di dời, các nhà máy cũ nên được giữ nguyên cấu trúc, cải tạo cho nhiều mục tiêu phát triển của Hà Nội như: không gian vui chơi, hoạt động thể chất, vườn hoa, công viên, quảng trường, không gian văn hóa, bảo tàng… thay vì xây cao ốc.

Lý giải vì sao Việt Nam có nhiều cơ sở công nghiệp có giá trị di sản nhưng lại không có di sản công nghiệp, hay nói chính xác hơn là “chưa có”, PGS. Loan cho rằng, đầu tiên và trực tiếp nhất vì khái niệm di sản công nghiệp chưa được pháp lý hóa tại Việt Nam. Tức là nó chưa được ghi nhận, thừa nhận bởi các tổ chức, cơ quan của nhà nước.

Cụ thể hơn, nó chưa được đưa vào các văn bản pháp luật liên quan (như Luật Di sản, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Kiến trúc…). Do không có khái niệm di sản công nghiệp được chính thức hóa, không có những nghiên cứu sâu và các tiêu chí đánh giá được đưa thành quy định, thì không thể thực hiện đánh giá, phân loại và ghi nhận di sản một cách chính thức cho các đối tượng này.

“Ở các nước, có thể việc nghiên cứu, đưa ra định nghĩa, các tiêu chuẩn đánh giá do các tổ chức chuyên môn thực hiện, nhưng cuối cùng nó phải được nhà nước thừa nhận, công nhận hoặc pháp lý hóa để áp dụng vào thực tiễn”, PGS. Loan cho biết.

Bên cạnh đó, phần lớn xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý đô thị, quản lý di sản, giới nghề và công chúng hiện chưa có nhận thức đầy đủ về di sản công nghiệp, ý nghĩa và vai trò của nó trong phát triển văn hóa, lịch sử quốc gia, lịch sử địa phương cũng như tiềm năng của nó trong phát triển kinh tế bền vững thông qua chuyển đổi từ công nghiệp chế tạo sang công nghiệp văn hóa – sáng tạo trên chính cơ sở vật chất sẵn có.

“Chính vì nhận thức chưa có và chưa tới, người ta đã phá bỏ rất nhiều công trình công nghiệp có giá trị di sản, và đến nay vẫn chưa có hành động hiệu quả, kịp thời để bảo vệ những gì đang còn lại”, PGS. Loan nhận định.

Ngoài ra, theo PGS. Loan, có rất ít đối thoại và lắng nghe thực sự giữa chính quyền, các bộ ngành liên quan với các tổ chức dân sự. Từ năm 2020 đến nay, nhóm các trí thức và chuyên gia trong Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã nỗ lực chia sẻ, lan tỏa, truyền thông về khái niệm di sản công nghiệp cùng tiềm năng bảo tồn, tái sử dụng bền vững di sản công nghiệp, thông qua tổ chức tọa đàm, viết báo, làm phim ngắn, kết nối báo chí đưa tin, tổ chức các khóa học về di sản, viết kiến nghị, tham luận trong các hội thảo do chính thành phố Hà Nội tổ chức.

“Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các tổ chức văn hóa và mạng lưới tổ chức dân sự trong và ngoài nước hưởng ứng. Chưa có phản hồi hay sự quan tâm chính thức nào từ khu vực quản lý nhà nước về chủ đề này. Không có lắng nghe và đối thoại…”, PGS. Loan nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *