Theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh này xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.
Gia Lai phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Với mô hình du lịch xanh, Gia Lai sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.
Trong giai đoạn này, Gia Lai được quy hoạch sẽ có hai tuyến cao tốc đi qua, gồm: Cao tốc Pleiku – Quy Nhơn dài 104 km; cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn qua Gia Lai dài 97 km. Ngoài ra, để kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai sẽ xây dựng tuyến đường sắt dài 550 km, khổ đường 1.435 mm, đường đơn, từ Đà Nẵng đi các tỉnh Tây Nguyên tới tỉnh Bình Phước.
Nằm tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, Gia Lai sẽ là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hoá, triển lãm quốc tế.
Trong đó, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông – Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên.
Việc phát triển cảng cạn cũng được tỉnh này đặt ra trong Quy hoạch. Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng cảng cạn Nam Pleiku; giai đoạn đến năm 2050, xây dựng cảng cạn Lệ Thanh.
Các hoạt động kinh tế – xã hội của Gia Lai được tỉnh định hướng phát triển theo mô hình: 3 hành lang kinh tế và 4 tiểu vùng sinh thái – kinh tế.
Trong đó, 4 tiểu vùng sinh thái – kinh tế gồm: Vùng 1 gồm TP Pleiku – đô thị Chư Sê – Đak Đoa – Chư Păh; Vùng 2 gồm khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; Vùng 3 gồm thị xã An Khê – thị trấn Kbang; Vùng 4 gồm thị xã Ayun Pa – Phú Thiện – Krông Pa.
Ba hành lang kinh tế gồm: Tuyến hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh – các tỉnh Tây Nguyên – TP HCM; Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, gắn với quốc lộ 19, kết nối cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh – TP Quy Nhơn; Tuyến hành lang kinh tế quốc lộ 25 kết nối Gia Lai với Phú Yên và Khánh Hoà.
Được biết, phạm vi lập quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh, quy mô 15.510km2, gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9,57%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.
Mục tiêu đến năm 2050, với đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng, Gia Lai sẽ trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến sinh thái khác biệt và độc đáo.
- Cho thuê xưởng Đức Giang Long Biên Hà Nội. Giá ưu đãi, thuê lâu dài
- Vẻ đẹp Hồ Cấm Sơn nhìn từ trên cao
- Luật Đất đai 2024 được áp dụng, nhiều gia đình đối diện bị cưỡng chế thu hồi đất bởi 4 hành vi này
- Biệt thự Hoàng Gia Vinhomes Vũ Yên Royal Island Hải Phòng
- Dự án khu dân cư mới số 1 Đông Sơn, Thanh Hóa được đầu tư 5000 tỉ đồng