Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Diện tích khoảng 150.000 ha, trong đó hơn một nửa là diện tích mặt nước, còn lại là đất liền và đảo.

Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Đây là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Khu kinh tế Vân Phong còn là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
Theo quy hoạch, các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái – vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm… có tổng diện tích đất khoảng 2.613 ha tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lãnh khoảng 2.027 ha và khu vực Dốc Lết khoảng 200 ha, các khu vực khác khoảng 386 ha.
Trong nội dung điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong được duyệt thì khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.
Khu kinh tế Vân Phong sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển cả nước với quy hoạch cảng biển, kết hợp đô thị, dịch vụ như sân bay, casino.
Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) đến năm 2040, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đây sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, trở thành trung tâm kinh tế biển cả nước, tầm cỡ khu vực.
Khu kinh tế chia thành 19 phân khu, diện tích 75.166 ha (gồm đất liền biển) với các khu riêng biệt phát triển về cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng… Kinh tế biển sẽ là nền tảng của khu kinh tế Vân Phong với cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, kết hợp các ngành khác.
Cảng biển, các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic được quy hoạch khoảng 509 ha; khu vực phát triển công cảng, hậu cần cảng khoảng 961 ha tại Bắc và Nam Vân Phong. Các khu vực dự kiến phát triển hậu cần cảng, logistics tại Ninh Phước khoảng 445 ha.
Quy hoạch sân bay khoảng 500 ha, được bố trí ở phía huyện Vạn Ninh, phía Bắc Vân Phong. Các khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn (170 ha), đảo Hòn Lớn, khu vực Tuần Lễ – Hòn Ngang với diện tích khoảng 479 ha.
Vân Phong cũng được định hướng là khu vực phát triển đô thị thông minh, hiện đại với các sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp như casino, sân golf, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp trải nghiệm. Các dịch vụ giải trí cao cấp sẽ được quy hoạch trên diện tích hơn 2.610 ha tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lánh và Dốc Lết.
Khoảng 5.400 ha tại khu vực Đầm Môn, Vĩnh Yên – Mũi Đá Son được dành phát triển đô thị hiện đại, với tỷ lệ dân cư chiếm tối đa 10% tổng diện tích đất tự nhiên khu vực bán đảo Hòn Gốm.
Khu kinh tế cũng có quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 2.720 ha, gồm khu công nghiệp Ninh Thuỷ (208 ha), Dốc Đá Trắng (288 ha) và các khu dự kiến phát triển sản xuất công nghiệp đến năm 2030 khoảng 1.475 ha.
Hôm 27/3, tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến Đầm Môn, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được đưa vào vận hành sau 6 năm, giúp thu hút đầu tư ở khu kinh tế Vân Phong.