Quy hoạch Ninh Bình hiện thực hóa Đô thị di sản thiên niên kỷ

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Quy hoạch Ninh Bình hiện thực hóa Đô thị di sản thiên niên kỷ

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; là một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Quy hoạch xác định “4 trụ cột” phát triển kinh tế và “3 hành lang” phát triển.

4 trụ cột gồm: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

3 hành lang phát triển gồm: Bắc – Nam, Đông – Tây và hành lang ven biển.

Để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực”.

“Một trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

“Hai quyết tâm” gồm: Quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển” của mình, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng – Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

“Ba động lực” gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược; Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn được tỉnh định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

Đặc biệt, để trở thành một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía nam Vùng Đồng bằng sông Hồng như quy hoạch yêu cầu, tỉnh đặt trọng tâm phát triển 11 khu công nghiệp, 2 khu du lịch quốc gia, 4 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 tuyến đường cao tốc, 1 cảng tổng hợp và dự trữ quỹ đất phát triển 2 sân bay chuyên dùng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *