Trước thông tin Sáp nhập quận Hoàn Kiếm , người dân của quận nội đô lịch sử cũng có những tâm tư và băn khoăn. Với họ, Hoàn Kiếm không chỉ là địa danh, mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng của Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Quận Hoàn Kiếm mặc dù có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm- đền Ngọc Sơn- đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ… Không những thế, nhắc đến Hà Nội người ta lại nhắc đến 36 phố phường nằm trọn hầu hết ở quận Hoàn Kiếm.
Theo Nghị quyết số 35 của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; quận Hoàn Kiếm với diện tích 5,29km2 sẽ là đơn vị cấp huyện duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên người dân và các chuyên gia mong muốn cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện.
Là quận nội đô, Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long Hà Nội. Ngoài những giá trị văn hóa riêng có, đặc sắc, nơi đây cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Thủ đô và là hình mẫu về phát triển kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa.
Với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quận Hoàn Kiếm mang trong mình các giá trị riêng có, mà không nơi nào có thể so sánh được. Việc sáp nhập là cần thiết nếu theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần có sự cân nhắc về các tiêu chí. Đặc biệt là với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội. PGS. TS. Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng Trường – Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội bày tỏ suy nghĩ: “Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm là một quyết sách lớn nhưng khi sáp nhập chúng ta nên chú trọng đến các đặc thù rất riêng. Đó là cái ký ức đô thị. Ký ức đô thị giữ vai trò rất lớn, rất quan trọng giúp cho người dân và tất cả các du khách đến với Hà Nội lưu lại hình ảnh về một đô thị với những ký ức mang bề dày lịch sử. Và khi chúng ta sáp nhập đơn vị hành chính thì cần phải coi đây là một khu vực mang tính đặc thù để có những giải pháp riêng, ứng xử với nó thay vì chúng ta áp dụng chính sách hàng loạt như các đơn vị khác trong địa bàn”.
Trên thực tế, để quyết định sáp nhập một đơn vị hành chính hay không, còn phải căn cứ vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử. Bên lề hội thảo về sửa đổi Luật Thủ đô diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) – cho biết việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đảm bảo dân số và diện tích tự nhiên thì vẫn phải xét tới yếu tố đặc thù như đã ổn định từ năm 1945; liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc. Vì vậy, với những quận, huyện đặc thù, vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét. “Hiện nay mới đánh giá theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp lại. Ngoài ra còn yếu tố đặc thù của quận Hoàn Kiếm, được nêu cụ thể trong Nghị quyết 35, gồm: Điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không”, ông Thành cho biết.
Vấn đề này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các địa phương phải xây dựng đề án cụ thể, vừa phải bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn chung. Đồng thời chú trọng các yếu tố đặc thù, không làm cực đoan, phiến diện, phải rất khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, trong đó phải tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư.