Thành phố Hải Phòng là thành lớn thứ 3 Việt Nam, nằm top đầu hút FDI: Sẽ thêm 3 quận mới, trở thành đô thị tầm cỡ quốc tế
UBND của thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với một số thay đổi về đơn vị hành chính và hướng đến mục tiêu đô thị hóa vươn tầm quốc tế.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng định hướng đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chương trình được thực hiện trên toàn bộ phạm vi ranh giới đơn vị hành chính của TP. Hải Phòng với trên 15 đơn vị hành chính trực thuộc 7 quạn nội thành (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện ngoại thành (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo) và được có giới hạn trong phạm vi. Cụ thể, phía Bắc, Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam, Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình; phía Đông, Đông Nam giáp Vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp tỉnh Hải Dương.
Trong giai đoạn đến năm 2025, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60-70%; mật độ dân số toàn đô thị 2.000-3.000 người/km2; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, đến năm 2025 đạt 31-32%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, đến năm 2025 đạt 16-≥24%.
Mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính quận Hồng Bàng (thành lập quận An Dương và điều chỉnh 03 xã An Hưng, Đại Bản và An Hồng sang quận Hồng Bàng). Khu vực nội thành bao gồm 8 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và An Dương. Thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở hiện trạng địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và toàn bộ đảo Vũ Yên. Hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I thành phố Hải Phòng theo quy định; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.
Trong giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74-76%; mật độ dân số toàn đô thị đạt 3.000-3.500 người/km2; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, đến năm 2030 đạt 34-35%, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, đến năm 2030, đạt 16-≥26%.
Mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện Kiến Thụy. Khu vực nội thành bao gồm 9 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương và Kiến Thụy. Phát triển các đô thị An Lão (thị trấn An Lão, huyện An Lão), Tiên Lãng (thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng) và Vĩnh Bảo (thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo) đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Trong giai đoạn đến năm 2035, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 76-80%; mật độ dân số toàn đô thị đạt 3.000-3.800 người/km2, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố đạt khoảng 34-38%, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị, khu vực nội thành đến năm 2035 đạt 16-≥26%.
Phát triển đô thị thành phố Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II. Xây dựng, phát triển các đô thị mới các đô thị loại V và một số đô thị hiện hữu lên đô thị loại IV.
Trong giai đoạn đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 80-86%. Mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang khu vực huyện Cát Hải, thành lập quận Cát Hải (đô thị ở hải đảo). Khu vực nội thành gồm 10 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương, Kiến Thụy và Cát Hải.
Tầm nhìn đến năm 2045-2050, TP. Hải Phòng xây dựng và phát triển thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu… Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn. Tầm nhìn đến năm 2045-2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Hải Phòng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Đây là thành phố lớn thứ ba Việt Nam, là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ.
Năm 2023, thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt 3,5 tỷ USD, với 62 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% so với năm 2022, đứng thứ 2 cả nước và đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Bất động sản 2025 liệu có bứt phá mạnh mẽ các phân khúc
- Chủ đầu tư Ramond Holdings: Bà Phạm Thị Lan Hương
- Dự án Thành Phố Thông Minh vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, quy mô hơn 270 ha nằm ngay chân cầu Nhật Tân
- Vì sao đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy phá kỷ lục ‘đường đắt nhất hành tinh’?
- Tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả chiều dài 18,7km, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng